Hà thủ ô là cây thuốc quý của đông y, được lưu truyền từ xa xưa đến nay. Được xem là thần dược cho con người.
Loài cây leo sung mãn này có lá hình trái tim và được biết đến dưới nhiều tên gọi: Hà thủ ô đỏ, hay dã miêu, xích cát, giao đằng, dạ hợp, địa tinh, đào liễu đằng, trần tri bạch, và vài tên khác.
Một trong những tên phổ biến nhất được biết đến dưới dạng thảo dược là: hà thủ ô (mái tóc đen của ông Hà)
Những tên gọi cổ của Trung Quốc thường gắn liền với các câu chuyện, và câu chuyện về hà thủ ô là một câu chuyện sinh động. Đó là câu chuyện về một người đàn ông độc thân nghiện rượu ở tuổi trung niên, người tìm kiếm tình yêu và sự cứu rỗi ở một loại rễ cây huyền bí.
Khi còn trẻ, ông Hà biết rằng ông không thể có con. Không có gia đình để chăm lo, ông xem đời mình thất bại rồi, và sự chán nản đã đẩy ông vào con đường nghiện ngập. Sức khỏe suy yếu, thị lực và thính lực đều giảm sút, tóc ông sớm chuyển sang hoa râm từ rất sớm.
Cho tới ngoài 50, hầu như tối nào ông cũng say xỉn, nhưng một đêm kia, ông đau đầu đến mức không thể lên giường đi ngủ. Khi tỉnh dậy vào sáng hôm sau giữa một cánh đồng, ông nhìn thấy hai dây leo quấn quít vào nhau ở phía trên đầu. Bị hấp dẫn bởi các dấu hiệu (mà ông cho rằng đó là dấu hiệu của một cặp đôi yêu thương), ông đã đào cả rễ của cây này và mang về làng hỏi mọi người, nhưng không một ai trong làng biết về loại cây này.
Một thầy tu (hoặc trong một vài phiên bản khác, một kẻ thích đùa) khuyên ông nên ăn rễ của loài cây lạ, nói rằng nó sẽ phục hồi tinh huyết khí lực cho ông. Vì chẳng có gì để mất, ông Hà cứ thế ăn thôi. Sau một vài tuần dùng thảo dược thường ngày, các vấn đề về sức khỏe của ông biến mất, khí lực trở lại với ông. Ông cưới một góa phụ cùng làng và họ có tới 19 người con. Tóc ông đen trở lại và không hề bạc đi cho tới khi ông chết ở tuổi 160.
Thảo dược bổ dưỡngThật khó để nói bao nhiêu phần trăm của câu chuyện là cường điệu. Tuy nhiên, con người ngày nay vẫn coi hà thủ ô như loài thảo dược điều trị vô sinh, suy nhược, bạc tóc và các triệu chứng khác liên quan đến lão hóa sớm.
Hà thủ ô được biết đến như một loại bổ phẩm trường sinh, nhóm các loại thảo dược cung cấp năng lượng và sức mạnh. Loài thảo dược này không phải là loại bổ sung năng lượng tạm thời thường thấy, mà có gì đó sâu hơn và lâu dài hơn.
Có rất nhiều loại thuốc trường thọ, chẳng hạn như hà thủ ô, đương quy, và nhân sâm – đều là rễ cây và có vị ngọt. Sử dụng trong một thời gian, các thảo dược này sẽ đem đến sinh lực và sự ổn định cho cả tâm và thân. Ngày nay, những thảo dược này được nhắc đến như một loại Adaptogens, do chúng có thể giúp cơ thể xả bỏ căng thẳng.
Nhân sâm là loại thảo dược nổi tiếng nhất và đắt tiền nhất, nhưng danh sách thảo dược của người Trung Quốc, hà thủ ô được xếp vào hàng cao nhất trong các loại thảo dược trường thọ. Những thảo dược này nhận được sự quan tâm rất nhiều từ các đạo sĩ Trung Quốc, những người hướng tới sự giải thoát và trường sinh.
Có những câu chuyện liên quan tới hà thủ ô thậm chí khó tin hơn chuyện về ông Hà. Câu chuyện gần đây nhất là về một người đàn ông qua đời năm 1933. Ông Lí Thanh Vân được ghi chép lại là sống tới 252 tuổi, có 23 vợ và 180 con. Bí quyết trường thọ của ông là dùng kỷ tử, nhân sâm và hà thủ ô hàng ngày, ngoài ra ông còn luyện tập Thái Cực Quyền.
Ông Lí Thanh Vân được ghi nhận đã sống đến 252 tuổi một phần nhờ vào việc dùng hà thủ ô hàng ngày.
Cách chọn củ
Thông thường, rễ (củ) càng nhiều tuổi, dược tính càng mạnh. Các công bố cổ xưa về tuổi thực của rễ cây (củ) rất khó tin.
Theo như danh y Lý Thời Trân triều đại nhà Minh, dùng hà thủ ô 150 tuổi trong vòng một năm có thể khiến người đó mọc lại cả một hàm răng mới. Còn nếu dùng hà thủ ô 200 tuổi có thể khiến người đó nhanh nhẹn như một chú ngựa. Dùng hà thủ ô 300 tuổi thì sẽ đạt được trường sinh.
Hầu hết rễ cây hà thủ ô làm thuốc ngày nay chỉ khoảng 3-4 năm tuổi. Chúng có lẽ không sở hữu năng lực giúp trường sinh, nhưng chúng vẫn có giá trị dược tính.
Rễ (củ) hà thủ ô giầu sắt, kẽm, và chất chống ô-xy hóa. Một số được bán như nguyên liệu thô, nhưng hầu hết là được chế với đậu đen, được cho là để làm tăng dược tính của thảo dược này. Hà thủ ô cũng được bán ở dạng lát khô, bột, thuốc viên hoặc rượu thuốc.
Củ hà thủ ô thường bán dưới dạng đã phơi khô và được cắt lát. Hà thủ ô chất lượng tốt có mầu nâu đỏ. (Shutterstock)
Cách sử dụng
Người ta dùng hà thủ ô – dùng riêng hoặc chế biến theo công thức – để trị nhiều loại bệnh khác nhau. Trung y thường kê loại thảo dược này cho những người bệnh có dấu hiệu suy thận và khí, biểu hiện là đau lưng, mỏi gối, chóng mặt và trí nhớ kém. Thảo dược này được sử dụng để tăng cường khả năng miễn dịch, phục hồi chức năng tuyến thượng thận, giảm các triệu chứng mãn kinh, mất ngủ và mệt mỏi. Hà thủ ô có tính kháng khuẩn và kháng nấm, còn được sử dụng để điều trị các vấn đề về da, như mụn trứng cá, eczema và nấm chân.
Hà thủ ô cũng được chứng minh là có khả năng giảm lượng cholesterol, phòng chống ung thư và bệnh Alzheimer, nhưng hiệu quả sức khỏe được nhắc tới nhiều nhất của thảo dược này là phục hồi sinh lực và tóc. Kể từ thời ông Hà, thảo dược này vẫn duy trì được danh tiếng của mình trong việc làm đen tóc, dầy tóc và cải thiện sinh lý ở cả nam và nữ giới.
Giống như nhiều vị thuốc bổ khác, hà thủ ô được dùng với lượng vừa phải, thường xuyên và trong nhiều năm tháng sẽ mang lại kết quả chống lão hóa đáng kể. Người ta nói rằng ông Hà đã ăn rễ cây hà thủ ô tổng cộng 700 ngày trước khi được làm cha lần đầu tiên. Một số dùng hà thủ ô như thuốc nhuận tràng nhẹ, vì vậy nếu dùng liều lượng lớn hà thủ ô trong một thời gian thì có thể là lợi bất cập hại.
Hà thủ ô không chứa độc tính và nói chung được hấp thụ tốt, nhưng [cũng] có số ít báo cáo về tác dụng phụ, chẳng hạn như ngứa và đi phân lỏng. Những người có vấn đề về gan nên cẩn trọng khi sử dụng hà thủ ô.
Thông thường một ngày sử dụng 3 gam, chia 3 lần. Hà Thủ Ô có tác dụng an thần nhẹ nên tốt nhất là uống trước khi đi ngủ. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc Trung y trước khi sử dụng.
Conan Milner
Biên dịch: Quế Trà